Quà sáng của các bà, các mẹ có thể là cân bánh cuốn tráng mềm, cân bún lá chấm mắm tôm chanh ớt, vài cái bánh nếp, bánh giò nóng, hay nắm xôi hôi hổi bọc trong tấm lá chuối…
Người Hà Thành sành ăn, nhưng cốt cách tao nhã, nên món ăn nào dù sang trọng hay bình dân cũng phải ngon miệng, đẹp mắt, đủ chất dinh dưỡng… Bữa sáng ăn nhẹ, thường được gọi là “ăn quà sáng”, bởi đó là những thức được mua từ góc chợ, vỉa hè, quán cóc, chứ không cần kì công chuẩn bị trong khuôn bếp mỗi gia đình.
Ăn sáng cũng có đủ kiểu cho đủ người, đủ tầng lớp. Các bà, các mẹ, các chị thích đi chợ từ sáng sớm để chọn được những mớ rau tươi mượt, những con cá đồng, những miếng thịt mới pha còn nóng hổi, xong lại tranh thủ mua quà sáng cho cả nhà. Quà sáng của các bà, các mẹ có thể là cân bánh cuốn tráng mềm, cân bún lá chấm mắm tôm chanh ớt, vài cái bánh nếp, bánh giò nóng, hay nắm xôi hôi hổi bọc trong tấm lá chuối…
Những người lao động, bình dân thì chọn quán vỉa hè, với các thức như bánh mì, xôi, bánh nếp, cháo trai, cháo sườn… Họ có thể ngồi xổm, ngồi trên xe, ngồi bệt ở vỉa hè, ăn tranh thủ một thứ quà sáng nào đó rồi lại tất bật đi làm.
Người nội trợ rảnh rỗi, sau khi đi chợ xong, có thể ngồi thưởng thức bát cháo trai nóng nghi ngút, thơm mùi rau răm, hành phi vàng rộm, hoặc xuýt xoa cùng bát bún ốc nóng hổi, bát chè sen thanh nhã…
Đa dạng và được ưa chuộng nhất phải kể đến các món bún, cháo, phở. Bún thì có bún bò, gà, mọc, thập cẩm, bún ốc, riêu cua, bún cá, bún thang, bún trộn, bún đậu mắm tôm… Riêng phở cũng có tới cả chục món: nào phở bò, phở gà, phở thập cẩm, tái, chín, nạm, gầu, phở trộn, phở xào, phở cuốn… Cháo thì có cháo trai, cháo hến, cháo cá, cháo sườn, cháo gà, cháo vịt… chưa kể đến các “họ hàng” nhà bún, phở như bánh đa, miến, sủi cảo, vằn thắn…
Dù là thứ quà chỉ đáng giá vài ba nghìn hay những thứ quà sáng sang trọng có giá vài chục nghìn thì mỗi loại đều có những vẻ ngon, hấp dẫn khác nhau.
Bát bún ốc sóng sánh màu vàng của chút nghệ, điểm vài lát cà chua, nêm với ớt chưng, rồi chan với dấm ngâm ớt tỏi, vừa ăn vừa xuýt xoa, cay đến chảy nước mắt mà vẫn ngon đến lạ.
Cháo Hà Nội cũng có một đặc trưng rất riêng. Người Hà Nội ăn cháo đặc, chứ không ăn cháo loãng như một số vùng miền khác. Cháo nấu phải có độ sánh, mềm mượt do nấu từ thứ gạo ngon, có pha nếp, hạt gạo được canh cho nở vừa độ. Nước để nấu cháo không phải là thứ nước lã lỏng toèn toẹt, mà nhất thiết phải có chút xương ống, xương đầu chối hầm kĩ chắt nước, rồi mới chế gạo vào, nên cháo ngọt đậm, không cần mì chính cũng thơm ngọt mềm đầu lưỡi.
Cháo thường được ăn kèm với hành lá, gia vị. Cháo sườn thì không thể thiếu hành lá, mùi thơm, mùi tàu. Cháo trai thì chẳng thể thiếu “cái anh lá răm” được, những bát cháo trắng nghi ngút, chế thêm vài thìa ruột trai đã được tẩm ướt, xào chín, cho chút rau răm, hành lá, rắc chút tiêu hoặc ớt bột, vừa ăn vừa xuýt xoa, mới thấy thú vị làm sao.
Bát phở ở Hà Nội cũng không đầy tú ụ bánh, mà chỉ một nhúm bánh mỏng, mềm mượt, được chần kĩ, trên mặt bát phở, bày “phụ gia” theo yêu cầu của thực khách, như thịt gà, hoặc bò, tái, chín, nạm gàu, rắc rau thơm, rồi chan vài muôi nước trong vắt nhưng thơm đậm mùi quế, hồi, hầm với xương ống.
Trong các thúng tre nghi ngút khói là “góc riêng” của xôi, chỉ vài ba nghìn là đã có thể thưởng thức một nắm xôi xéo, xôi ngô, xôi đậu, hay xôi gấc. Có hàng còn cầu kì với xôi chiên, xôi thịt, giò, chả, ruốc. Vào những buổi sớm mai, khi tiết trời còn se lạnh, được ngồi ở một góc nhỏ, ăn nắm xôi nóng nghi ngút, gói khéo trong tấm lá chuối, lá dong, thơm lừng mùi đậu đỗ, hành phi, nhấm nháp những hạt nếp mẩy mượt, cũng là cái thú bình dân quá đỗi thi vị.
Dù bình dân hay cao cấp, đã đến hàng quà sáng, bạn đều nhận được một thái độ phục vụ chu đáo, cởi mở như nhau. Dù tiền ít, hay tiền nhiều, bạn cũng chắc chắn sẽ tìm được cho mình một thứ quà sáng nào đó để lót dạ cho ấm bụng, sẵn sàng cho một ngày lao động mới…
Quà sáng Hà Thành, giống như một nét duyên thầm dịu dàng của chốn kinh kì, văn hiến…
NGUYỄN NGUYỄN
TapchiMonngon