Hà Nội với những con phố cổ, với những nét đẹp của mảnh đất nghìn năm mãi lung linh trong tâm khảm của bao người. Tôi may mắn được sống ở nơi đây trong một thời gian đủ dài để đi trên nhiều con phố cổ và thưởng thức hương vị ẩm thực do chính bàn tay con người nơi đây làm ra. Và một ngày, tôi ngạc nhiên, thích thú khi biết rằng, rất nhiều tên phố ở Hà Nội bắt đầu bằng chữ “Hàng” có liên quan đến ẩm thực.
Ẩm thực Hà Nội phố đa dạng và phong phú, từ những phố mang tên các món ăn như Hàng Bột, Hàng Bún, Hàng Cháo, Hàng Cơm, Hàng Chuối, Hàng Đũa, Hàng Cá, Hàng Cau, Hàng Chè, Hàng Đậu, Hàng Đường, Hàng Gà, Hàng Gai… cho tới phố đồ dùng phục vụ cho ăn uống như Hàng Chĩnh, Hàng Đũa, Hàng Bát… đều có cả. Thời gian biến đổi thăng trầm, một số con phố vẫn giữ nguyên dáng vẻ như lúc ban đầu, một số đã thay tên đổi họ và mỗi phố không còn chuyên một mặt hàng như trước nữa.
Cùng với thời gian, nhiều tên phố đã “lặn” vào tịch mịch đổi thay như phố Hàng Cau, Hàng Chè, Hàng Trứng, Hàng Đũa… Những phố vẫn còn giữ nguyên tên gọi như lúc ban đầu thì nay mang diện mạo tươi mới hơn, tiêu biểu như phố Hàng Mắm, hiện nay đã không còn bán mắm mà mặt hàng chủ yếu là bia mộ, đồ sành, đồ đất; phố Hàng Cháo nay bán ốc vít, mũi khoan và dụng cụ cơ khí, cơ điện; phố Hàng Điếu không bán điếu và thuốc lào nữa mà trở thành phố bán mứt hạt sen, trà Thái, trà Phú Thọ.
Những con phố liên quan đến ẩm thực ở Hà Nội thì rất nhiều, nhưng có một điều khiến người ta thắc mắc, băn khoăn, đó chính là tại sao không có phố Hàng Thịt, trong khi có phố Hàng Cá, Hàng Bột, Hàng Gạo, Hàng Khoai, có cả phố Hàng Dầu để cho người ăn chay và để thắp đèn những khi trời tối, vậy mà “thịt”, một trong những yếu phẩm hàng ngày lại chịu “lép vế”? Phải chăng vì dân ta đã quen với cụm từ “con cá lá rau” chứ không phải là “con cá mớ thịt”?.
Phố Hàng Cá nay là con phố quen thuộc với nhiều địa chỉ quán cà phê được giới trẻ Hà thành biết đến. Nổi tiếng nhất có cà phê số 2, đặc biệt là quán Bar Corner (hiểu đơn giản là “góc”, góc của Hà Nội, góc của Hàng Cá…). Vào Corner, cảm giác “ngưng đọng” rõ nhất của phố Hàng Cá chính là ở nơi đây. Ở nơi này, thời gian như dừng lại, tiếng còi xe xa xôi cũng trở nên yên ắng hơn. Người đi lại ngược xuôi như mắc cửi cũng bớt ồn ào. Chỉ còn ta với một “góc” Hà Nội thật xinh, thật quyến rũ và cũng thật đầy thương yêu.
Bar Corner – một góc phố Hàng Cháo (Nguồn. Ngoisao)
Một trong những con phố đã góp phần làm nên dáng vẻ riêng của Hà Nội phải kể đến đó là phố Hàng Than. Phố Hàng Than có con dốc vượt lên triền đê sông Hồng, đây từng là nơi nhộn nhịp với những chuyến than phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Nay phố Hàng Than cũng là phố bánh cốm chuyên phục vụ cưới hỏi. Nơi đây, nổi tiếng có cửa hiệu bánh cốm gia truyền Nguyên Ninh của cụ Tuất lừng danh Nam Bắc – nơi “ngòi châm” cho sự ra đời của ba, bốn chục nhà làm bánh cốm khác khắp phố Hàng Than ngày nay.
Phố Hàng Than (Nguồn. Chudu)
Một ngõ nhỏ chi chít hàng cà phê, đông nghịt khách nhâm nhi, tôi muốn mời bạn ghé qua, đó là ngõ Hàng Hành. Ngõ Hàng Hành bắt đầu từ Bờ Hồ Gươm “ăn” thông sang Hàng Trống, qua ngõ Bảo Khánh. Con ngõ này có các món ăn uống nhiều không kém phố ẩm thực Tống Duy Tân.
Có thể nói, ẩm thực Hà Nội phố với những con phố mang chữ “Hàng”, nếu đếm, phải có đến 24 tên phố, như vậy là đủ để biết văn hoá ẩm thực đất Thăng Long đã được khẳng định với bề dày truyền thống như thế nào. Thời gian biến đổi, con tạo xoay vần, những con phố này cũng không còn giữ nguyên dáng vẻ như thủa đầu vốn có. Đó cũng được coi là quy luật tất yếu của cuộc sống. Điều đó góp phần làm cho sắc màu phố cổ Hà Nội thêm phong phú, nhưng mặt khác nó cũng trở thành niềm nuối tiếc một vóc dáng Hà Nội xưa của không ít người.
Tapchimonngo