Bánh trôi tàu tưởng như mùa nào cũng có nhưng đối với người Hà Nội thì đặc trưng nhất vẫn là vào mùa đông. Chẳng thế mà có những hàng bánh trôi chỉ mở cửa khi trời lạnh chứ mùa hè thì biệt tăm.
“Muốn thưởng đủ cái vị bánh thì phải ăn đúng mùa nên cứ xem lịch khi nào lập đông thì cô bán hàng”, bà Dung, chủ cửa hàng bánh trôi tàu gần nhà hát Chuông Vàng tâm sự.
Từng là cô giáo dạy nhạc, khi về hưu bà Dung mới bắt đầu mở hàng bánh. “Bởi ngày xưa yêu cái tiếng rao của những ‘chú khách’, nhớ những ngày được mẹ dắt đi ăn bánh trôi nên giờ cũng muốn mở một hàng để nhìn ngắm lại cái thú vui của mình từ niềm vui của khách hàng”, bà chủ quán kể.
Vị cay, ngọt thơm nóng hổi của bánh trôi tàu khiến nó trở thành món quà hấp dẫn trong tiết trời đông. |
Bà cho biết làm bánh trôi cũng khá cầu kì, ngay từ khâu đong gạo xay bột cũng phải theo đúng công thức 3 nếp 1 tẻ, nếu lỡ tay cho nhiều gạo tẻ thì bánh sẽ bị cứng. Gạo được ngâm qua đêm, sáng sớm hôm sau mang đi xay. Ngày nào xay bột của ngày đó, chứ không được dùng bột cũ.
Hàng bánh nhà bà Dung chỉ bắt đầu bán từ lúc 5h chiều và kết thúc vào tầm 11h đêm. Khách ăn hàng thường là khách quen, đôi khi có những vị khách từ trong Nam ra tình cờ ghé qua hàng cũng tỏ ra thích thú. Bánh trôi tàu xứ Bắc có hai loại nhân đậu xanh và nhân đậu đen. Ngồi xuống gọi một bát bánh trôi, xuýt xoa trong miệng cái vị ngọt thơm bốc lên từ làn khói. Trước tiên thử dùng thìa nếm một chút nước đường cay cay vị gừng để thấm sự ấm áp rồi hẵng cắn thử miếng bánh để cảm cái sự mềm từ lớp vỏ trắng mịn. Sau cùng mới từ từ nhâm nhi cái thơm bùi của nhân bánh bên trong.
Thường những hàng chè ở Hà Nội có thêm món này vào tiết lạnh, kèm theo với chí mà phù và lục tàu xá. Khi ăn cũng cần có quy tắc, ăn bánh trôi trước rồi mới được gọi chí mà phù, hay lục tàu xá. Có như vậy thì ăn bánh trôi sẽ không nhạt miệng.
Người Hà Nội yêu bánh trôi tàu không chỉ bởi cái hương vị của bánh mà còn vì cung cách phục vụ rất riêng của từng chủ hàng. Người thì trầm ngâm, người thì đanh đá đáo để, người thì nóng nảy… ấy vậy mà hàng cứ hết bay.
Nhiều người biết đến cái câu: “một trôi, một chí” của chủ hàng bánh trôi nổi tiếng ở Hàng Giầy. Một hàng khác cũng rất ngon nhưng chẳng biển hiệu, gần bách hóa chợ Thành Công, giờ bách hóa sửa, chuyển sang ngồi cạnh hàng bán bỉm, sữa, quần áo trẻ em rất nổi tiếng gần đó. Bà chủ hàng đanh đá nhưng món chè đậu đỏ nóng và bánh trôi tàu thì khó mà chê được.
Bánh trôi tàu cũng có thể bắt gặp ở mọi nơi trên phố cổ, đi dạo chợ đêm cũng thấy dăm sáu hàng. Đôi khi rất đơn giản, chỉ một chiếc nồi to, đặt trên bếp lò. Đặt vừa vặn trong một cái thúng. Người đi chợ đêm mỏi chân thì dừng lại ngồi trên một cái ghế con, gọi một bát bánh trôi nho nhỏ cũng thấy chút gì đó vui vui, lạ lạ. Nếu là khách phương xa đến Hà Nội, tối tối, dạo phố, ăn thử bát chè nóng hoặc bánh trôi tàu sẽ nhớ mãi về một đêm đông nhưng không hề giá lạnh.
Người Hà Thành ăn bánh trôi cho đến tết Hàn Thực, qua cái độ se lạnh, qua những ngày lất phất mưa xuân thì nhiều hàng bánh lại dọn về ở ẩn. Lại chờ cái dịp “đông tới xuân qua”.
Theo: Vnexpress