Tết Hàn thực là ngày Tết được tổ chức vào ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch. “Hàn thực” nghĩa là “đồ ăn lạnh”. Ngày Tết này diễn ra ở hầu hết các vùng lãnh thổ Việt Nam.
Điển tích Tết Hàn thực
Ở Việt Nam, hàng năm vào ngày này, nhiều gia đình cho xay bột, đồ đỗ xanh, làm bánh trôi, bánh chay, nấu xôi chè lễ Phật và cúng gia tiên. Có lẽ đó cũng là một cách tưởng niệm người thân trong những ngày tháng cuối Xuân, chứ ít người biết đến hai chữ “Hàn thực” gắn với một điển tích ở Trung Quốc.
Thời Xuân Thu ở Trung Quốc, công tử Trùng Nhĩ (về sau là vua Tấn Văn Công) khi gặp cảnh hoạn nạn, đói quá, được Giới Tử Thôi cắt thịt đùi mình nấu dâng cho ăn. Sau mười chín năm phiêu bạt, Trùng Nhĩ lại được trở về nắm giữ Vương quyền nước Tần. Vua ban thưởng cho tất cả những người đã cùng nếm mật nằm gai, nhưng lại quên mất Tử Thôi. Tử Thôi cũng không oán giận gì (vì nghĩ việc giúp đỡ Trùng Nhĩ là một nghĩa vụ của kẻ bề tôi) và đưa mẹ vào sống ở núi Điền. Lúc vua nhớ ra, cho người tới mời mà không được, liền sai đốt rừng để Tử Thôi phải ra. Nhưng Tử Thôi không chịu và hai mẹ con cùng chết cháy. Hôm ấy đúng ngày mồng năm tháng Ba. Đau xót, vua sai lập miếu thờ trên núi và đổi tên núi đó là Giới Sơn. Người quanh vùng thương Tử Thôi nên hằng năm, từ ngày mồn 3 đến ngày mồng 5 tháng Ba (ba ngày) thì kiêng đốt lửa mà chỉ ăn đồ nguội đã nấu sẵn. Ở Việt Nam cũng theo tục ấy và ăn Tết Hàn thực ngày mồng 3 tháng 3.
Từ thời Lý (1010 đến 1225) nhân dân Việt Nam đã tiếp nhận Tết này nhưng chỉ tổ chức vào một ngày mồng 3 tháng Ba (âm lịch), không kiêng đốt lửa và thường làm bánh trôi, bánh chay thay cho đồ nguội. Mục đích chủ yếu là để cúng gia tiên chứ ít ai rõ chuyện Giới Tử Thôi. Hiện nay, Tết này vẫn thường đậm nét ở miền Bắc – nhất là các tỉnh quanh Hà Nội.
Tết Hàn thực có nguồn gốc từ Trung Hoa nhưng đã được Việt hóa từ lâu đời. Đối với người Hoa, họ thường làm bánh trôi, bánh chay để hôm sau ăn tránh việc nổi lửa để tưởng nhớ một vị trung thần này. Vào ngày này, trên ban thờ gia tiên, trên mâm cỗ tại điện thờ hay một số chùa chiền, nguời ta thường dâng cúng bánh trôi, bánh chay. Người Việt tượng trưng Tết Hàn thực bằng những thức ăn nguội bánh trôi – bánh chay. Vì vậy người Việt còn gọi Tết Hàn thực bằng một tên gọi khác là Tết bánh trôi – bánh chay. Mâm lễ Tết Hàn thực thường có: hương, hoa, trầu cau, ba hoặc năm bát bánh trôi, bánh chay dâng lên bàn thờ. Đối với người Việt Nam, Tết Hàn thực vừa để tưởng nhớ người xưa vừa là dịp để mọi người viếng thăm và tảo mộ người thân và cúng gia tiên mong một mùa hạnh phúc, ấm no.
Bánh trôi – bánh chay ngày Tết Hàn thực
Gạo làm bánh trôi, bánh chay phải chọn được nếp cái hoa vàng, thứ gạo tròn hạt, đều tay, như các cụ thường nói “nếp đếm trăm được”. Cứ chín phần nếp, cho một phần tẻ hoặc cùng lắm là cho đến non hai phần tẻ. Bởi nếu ít tẻ thì bánh dính và chảy, không thành hình tròn đẹp, mà nhiều quá thì lại bị cứng bánh, ăn dai mất ngon. Gạo nếp lẫn gạo tẻ vo sạch, ngâm mềm, vo sơ lại cho sạch rồi đem xay nhuyễn trong cối xay có cho nước vào từ từ, trút bột nước vào túi vải treo lên cho ráo nước, nhào lại bột cho thật dẻo, mịn.
Đỗ để làm nhân bánh cũng phải là loại giống đỗ tiêu, hạt nhỏ, thơm, đem hấp chín tơi, giã mịn, trộn với đường kính trắng làm nhân bánh chay. Đậu xanh ngâm mềm, đãi sạch vỏ, hấp hoặc đồ chín, xúc ra đem giã nhuyễn, chừa lại một ít chưa giã để trang trí. Xào phần đậu xanh đã giã với đường, vê lại bằng cỡ nhỏ hơn viên bánh trôi một chút. Quấy bột sắn dây hoặc bột đao với nước pha đường, kèm một chút nước gừng, đun nhỏ lửa, đảo đều tay cho bột hơi sánh lại và không bị cháy khét ở đáy nồi.
Đường làm nhân bánh trôi ngon nhất là loại đường phên Dương Liễu, Cát Quế, chặt thành những viên nhỏ như hạt lựu, làm nhân bánh trôi.
Khi vê bánh tròn, đặt bánh lên một tấm vải khô sạch để hút nước để tránh cho bánh bị méo khi thả vào nước luộc. Nồi nước luộc nên để nhiều nước, đun nhỏ lửa. Nên có một nồi nước đun sôi để nguội bên cạnh, khi bánh chín nhúng vào nước nguội để vớt ra đĩa (đối với bánh trôi), ra bát (đối với bánh chay), bánh không bị dính vào nhau.
Tùy theo sở thích của mỗi người, bạn có thể rắc thêm vài sợi dừa nạo nhỏ, hoặc dăm hạt đỗ xanh thổi chín còn nguyên hình hoa cau. Bát bánh sẽ trông như một đóa hoa cánh trắng, nhụy vàng, phủ dưới làn nước trong và thơm ngát.
Theo: MonngonHanoi