Đuông chà là là ấu trùng của một loại côn trùng có cánh gọi là kiến dương. Mùa đuông chà là múp míp béo là vào cữ tháng mười đến tháng hai âm lịch. Đuông mẹ có cánh, mỏ nhọn, hai cánh cứng như thép, có thể khoét thủng cả gỗ để vào đẻ trứng. Trứng đẻ thành ấu trùng, béo múp míp, trở thành thứ đặc sản “đệ nhất Nam Bộ”.
Nhà văn Sơn Nam từng ví von đuông chà là bằng cái tên thật ngộ: Hồ đa tử. Hình thù béo ú xấu xí hơn con sâu nhưng đuông chà là vẫn được ông Nguyễn Nhã Ý, tác giả lỗi lạc của bộ đại từ điển Việt Nam cho đây là món ăn ngon và quý.
Dọc theo những dải rừng ngập mặn miền Tây từ Soài Rạp, Đầm Dơi, Rừng Sác là dải rừng ngập mặn mênh mông đến mút tầm mắt. Xen kẽ những cây bần, sú, mắm… là những khóm cây chà là. Cây chà là mọc thành khóm như chùm cây cau cảnh. Mỗi bụi có nhiều cây nhánh, có gai sắc nhọn.
Gọi là chà là rừng để phân biệt với loại chà là có trái to dùng làm mứt, mà ta thường thấy xuất hiện vào dịp Tết. Chà là rừng thuộc họ dừa, nhưng thân nhỏ chỉ độ bằng cổ chân người lớn, cây lâu năm có thân dẻo chắc dùng làm đòn khiêng hoặc cột kèo cho loại nhà nhỏ đơn sơ. Quanh thân cây có những bẹ lá đầy gai nhọn thay thế cành, mỗi bẹ khi già rụng đi để lại những vết sẹo trên thân cây. Thân cây nào có nhiều sẹo chồng chất là cây đó càng lâu năm. Chà là trưởng thành thường cho những quày trái có khi đến hàng trăm, những quả lớn chỉ bằng đầu đũa. Quả già có vị chát dùng để ăn chơi, trẻ con rất ưa thích.
Đuông chà là là ấu trùng của một loại côn trùng có cánh gọi là kiến dương |
Vì thuộc họ dừa nên chà là rừng có bắp củ hủ mềm, thơm, ngọt, đầy chất dinh dưỡng và bọ cánh cứng thích đẻ trên đó, để có thức ăn nuôi ấu trùng đuông sau này. Khi cây chà là bị bọ cánh cứng xâm nhập thì đọt cây thường bị đứt cụt, bẹ lá ủ rũ, cây không còn được tươi tốt như bình thường. Nhờ vậy mà người đi bắt đuông chỉ cần nhìn qua là đã biết cây nào có đuông hay không.
Rừng ngập mặn hoang sơ ngày trước mọc thành dãy ngoài những bãi bồi nên đuông cũng lắm, đến độ nhiều người chuyên nghề khai thác đuông về làm món nhâm nhi đặc biệt trong các quán nhậu.
Sau mùa giao hoan, đuông tìm một cây dừa đang sung sức, khoét ngọn vào đẻ trứng. Trứng nở thành ấu trùng. Mẹ con nhà đuông bắt đầu chiến dịch công phá, chén củ hũ dừa thỏa thuê. Mỗi cây dừa có hàng trăm con đuông rúc rỉa “tủy sống” của cây dừa. Đến khi cây dừa không còn sức sống đến chết thì người ta buộc phải đốn dừa bắt đuông. Bửa củ hũ ra, hàng trăm con ngọ nguậy, lăn tròn, đứng không nổi. Con nào đã mọc cánh thì không bắt. Ở cây đủng đỉnh cũng vậy.
Thực ra không hẳn chỉ chà là mới có đuông. Đuông trong dừa, trong mía, trong đất, và con người cũng có thể tạo ra đuông. Nhưng trong thân chà là, đuông to nhất, béo tròn nhất nên trở thành món ăn nổi tiếng. Mỗi một cây chà là chỉ có một đôi con đuông, vì vậy, để có nhiều đuông thì cũng cần làm tróc rễ khá nhiều chà là.
Để có được mươi con đuông chà là quả không đơn giản tí nào, bởi chà là nhiều gai. Thường là những anh thợ chuyên lùng sục trong những vùng ngập mặn, chân tay được bao bọc kỹ mới xông vào khóm chà là gai góc. Nhìn những cây chà là héo, xác xơ, người thợ săn biết con mồi mình tìm kiếm đang giấu mình trong đó.
Khi bắt đuông chà là rừng, người ta không bổ bắp chà là ra để bắt từng con như bắt đuông dừa, mà chặt nguyên bắp chà là trong đó có một hoặc vài con đuông. Làm như thế để bảo quản đuông không bị chết đồng thời có thể mang đuông đi xa để bán. Chỉ khi nào làm món thì người ta mới lột bắp thân chà là mà lấy đuông ra.
Ấu trùng đuông có thể sánh với “sơn dương trùng” mà Tây Thái hậu thường đem đãi sứ thần. Theo các tài liệu ẩm thực thì đuông được chế biến thành nhiều món tuỳ theo đuông dừa hay đuông chà là như: đuông dừa nướng lửa than chấm nước mắm me; đuông nướng ăn cuốn với cải trời, xà lách, càng cua, cải xanh, húng quế, tía tô, ớt hiểm xanh, chấm nước mắm me chua, uống với rượu; đuông tẩm nước mắm lăn bột chiên ăn với rau xà lách, rau thơm, tiêu lốt; còn đuông đủng đỉnh thường nấu cháo nước cốt dừa.
Món ăn được chế biến từ đuông chà là phổ biến nhất vẫn là đuông lăn bột chiên bơ. Trước hết, người ta bổ bắp chà là ra, bắt con đuông thả vào tô nước mắm để đuông bị ngộp mà thải ra các chất bẩn ở đường tiêu hóa cho thân đuông sạch sẽ và cũng để mình đuông đẫm trong nước mắm thơm ngon và mặn đậm. Xong, người ta vớt con đuông thả vào một hỗn hợp bột gạo và bột năng đã được pha loãng rồi múc từng con thả vào chảo mỡ đang sôi. Lửa liu riu nhỏ, con đuông được lăn đều trên chảo cho đến khi vàng rộm cùng với mùi thơm ngậy của đuông quyện trong bơ, trong bột thì gắp dần từng con ra đĩa. Nước chấm ăn với đuông chà là thông thường là nước tương hoặc nước mắm tỏi, ớt. Vị béo ngọt của đuông chà là cộng với sự giòn thơm của bột năng, bột gạo, hòa quyện với vị mặn của nước chấm đã tạo nên cảm giác ngon tuyệt cho người ăn.
Đuông chà là lăn bột |
Còn có một cách ăn khác là đuông chà là tẩm nước mắm mà dân sành điệu thường gọi “đuông lội sông”. Những con đuông vàng rụm dài khoảng 2-3 cm, mình tròn trịa, di chuyển trong đĩa nước mắm khiến người ta liên tưởng đến các chiến xa lội nước đang hành quân qua sông. Trên đĩa thức ăn, 4 “chiến xa” đuông đang chuyển động. Thực khách gắp lấy một “chiến xa” cho vào miệng, nhai cái bụp, vỏ đuông vỡ ra, chất protein loại albuminoid hoà tan chứa trong mình đuông lan toả ra miệng tạo nên hương vị ngọt ngọt, bùi bùi, vừa giống như trứng vừa giống như phô mai “con bò cười” vậy.
Nhâm nhi đuông phải là những vị sành điệu, ăn từ tốn để cảm hết cái ngon lành, béo ngậy từ con đuông tròn múp. Khi vị ngon đặc biệt của đuông đã lan tỏa vào trong miệng, chiêu thêm một ít xị đế nữa thì… mới biết thế nào là đuông Đầm Dơi, Rừng Sác, cắn từng con để tận hưởng hương vị “ngậm mà nghe”.
Với những người có tâm hồn ăn uống và thích sưu tầm món ăn “độc chiêu” như bò cạp rang me, bò cạp chiên giòn, dế nướng trộn rau sống… thì đuông được liệt vào món cao cấp trong hàng thực phẩm côn trùng.
Đuông sống trên đầu ngọn cây, ăn các chất bổ dưỡng ở cây nên rất sạch, nhưng có thể chứa protein lạ nên người có cơ địa dị ứng cũng nên thận trọng khi ăn món này.
Cũng phải gần đây vị thơm của đuông mới lan đi khắp lục tỉnh. Một vài quán nhậu Sài Gòn có đuông đãi khách bợm, nhưng đó thường là đuông thập cẩm, không thuần túy đuông chà là, mà cũng không phải lúc nào cũng có đuông.
Đuông chà là chiên bơ |
Độc đáo nhất có lẽ là món đuông hấp xôi. Sáng mùng một Tết hấp nồi xôi đuông ăn với gà ram mặn thì xưa chỉ có vua mới được nếm. Nồi xôi vừa cạn nước, người ta để đuông vô miếng lá chuối đặt trên mặt rồi đậy nắp lại. Xôi chín thì đuông cũng chín. Theo sử sách ghi lại, thời nhà Nguyễn có hai ông vua cực kỳ thích ăn xôi đuông là Gia Long và Minh Mạng. Lúc ở Bến Tre, cha con ông Hoàng được dân bắt đuông về hấp xôi dâng lên, khoái khẩu sau này bắt tiến kinh hàng năm. Vua Minh Mạng còn cho khắc trái bần và con đuông lên cửu đỉnh đặt ở Thế miếu ngoài cung đình Huế, xem như sản vật quý lạ nước Nam.
Nhắc đến đuông chà là không thể bỏ qua giai thoại vui ở xứ sở công tử Bạc Liêu, đó là hội đồng Điều, thông gia của hội đồng Trạch mê ăn đuông lắm. Để tìm ra vị lạ của các loài đuông, ông hội đồng Điều không cho chúng ăn cây dừa, chà là, cau mà ép phải ăn mía. Cứ 1 cây mía ông khoét lỗ rồi bỏ đuông vào, khi thấy cây mía xơ xác ông mới bổ mía lôi đuông ra ăn. Ngon lành chỉ mình ông biết nhưng cách ăn đuông lạ đời đã để lại câu chuyện nửa hư nửa thực bổ sung cho những câu chuyện ẩm thực kỳ thú đất Bạc Liêu ./.
Theo ItaExpress