Nói đến món ngon Hà Nội, người ta đều nghĩ ngay tới phở. Và khi nhắc tới Ngũ Xã, không ai là không biết tới món phở cuốn nổi tiếng.
Thế nhưng, không phải ai cũng biết đến người phụ nữ tần tảo Vũ Thị Chinh, người đã góp thêm cho văn hóa Hà Nội hai món ngon lẫy lừng: phở cuốn và phở chua ngọt.
Từ “xoay” nghề cho đến “chế” phở
Lấy chồng năm 24 tuổi, nghề kiếm sống của người phụ nữ Hà thành này là nghề may vá. Ngày ấy, công việc may vá chẳng đem lại thu nhập là bao cho gia đình bé nhỏ của chị. 3 năm sinh nở 2 người con, cuộc sống khó khăn, vất vả đã khiến chị phải tìm cách “xoay” nghề.
Chị Vũ Thị Chinh tự tay chế biến các món phở. |
Với năng khiếu và những gì học được từ gánh bún măng của mẹ, chị đã quyết định chuyển nghề sang bán phở. Hàng phở vỉa hè phố Nguyễn Khắc Hiếu của chị chẳng mấy đã thu hút rất đông khách. Chính vì thế mà ban đầu chỉ bán phở gà, bún măng nhưng sau chị đã phát triển thêm rất nhiều món khác như: bún mọc, bún thang, gà tần… để phục vụ.
Thế nhưng, thương hiệu phở Chinh Thắng chỉ thực sự được lan truyền rộng rãi khi chị “chế” ra 2 món: phở cuốn và phở chua ngọt trong những phút “thăng hoa” để chiều lòng thực khách vào mùa hè, cách đây 10 năm.
Chị Chinh tâm sự:“Tôi làm phở cuốn tình cờ lắm. Những năm ấy, khách đến quán ăn đêm đông. Một hôm, khách thì đói mà quán thì chỉ còn lại ít bánh phở, rau và thịt bò. Thế là tôi cuốn mấy thứ đó lại với nhau rồi bảo khách ăn tạm với nước chấm. Phát triển thêm một chút thì thành phở cuốn bây giờ mọi người ăn”. Món phở cuốn bây giờ định hình với thịt bò, bánh phở, rau thơm… chấm nước mắm pha sẵn.
Cũng theo chị Chinh, món phở chua ngọt thì có sau đó không lâu. “Mùa hè nóng 37-38 độ, nghe phở nước, phở xào ai cũng thấy nóng nên tôi nghĩ ra món phở chua, dựa theo món bún bò Nam bộ, chế nước dùng chua ngọt. Nghe chua là đã thấy mát rồi”, chị Chinh vui vẻ kể lại.
“Trời tiếp lộc” cho người phụ nữ chịu thương, chịu khó
55 tuổi, gần 30 năm gắn bó với nghề bán Phở, chị Chinh đã nuôi dạy trưởng thành 3 người con trai. 2 người con trai lớn đã có gia đình và đều thành đạt trong cuộc sống. Con trai út của chị thì cũng đang là sinh viên năm 2 của một ĐH có tiếng. Cả ba đều là những kỹ sư, kỹ sư giao thông tương lai.
Nói về những năm tháng nuôi con vất vả, chị dịu giọng: “Từ ngày lấy chồng, tôi chưa biết đồng lương của chồng là gì. Ông ấy làm xây nhưng chưa bao giờ đưa cho vợ được một đồng”. Thu nhập chính của gia đình chị là từ những hàng quà này. Quán phở của chị Chinh tuy phải chuyển từ phố Nguyễn Khắc Hiếu về bán tại nhà riêng (số 7 Mạc Đĩnh Chi) từ năm 2004 nhưng khách tìm đến ăn không những không mất đi mà còn ngày một đông hơn, không chỉ khách ta mà cả nhiều khách nước ngoài.
Chị cho rằng cái quán nhỏ ở bán đảo Ngũ Xã này của chị được nhiều người tìm đến cũng là do “trời tiếp lộc”, trời thương cho một người phụ nữ chịu thương, chịu khó. Trong mấy chục năm buôn bán, khó khăn nhiều mà hạnh phúc cũng không ít.
Sau khi sáng tạo ra hai món phở ngon lành có tiếng, chị Chinh còn sáng tạo thêm nhiều món hấp dẫn khác từ phở như: phở chiên phồng, phở chiên trứng,… Rồi từ đó, nhiều người cũng học theo cách làm rồi buôn bán.
Các cửa hàng cứ mọc lên san sát. Ngày nay, đến với Ngũ Xã người ta không còn nghe thấy tiếng đục đẽo của làng nghề đúc đồng nổi tiếng nữa mà thay vào đó là những tiếng mời chào của một khu phố ẩm thực sôi động – Phố phở cuốn.
(Theo Đất việt)