Đống đu đủ tại nhà một nông dân ở Đan Phượng (Hà Nội) vừa chấm thuốc lúc trưa mà chiều đã chuyển dần sang màu vàng.
Công nghệ chấm thuốc thúc quả chín rất đơn giản: Cắt một ít cuống rồi chấm thuốc vào. Ngoài cách chấm cuống thì có người còn nhúng quả vào chậu thuốc đã pha hoặc phun, hoặc dùng giẻ thấm thuốc rồi lau lên quả. Để cho giống kiểu “chín tự nhiên” chỉ cần quệt vào một số chỗ, tạo mầu xanh, vàng.
Đu đủ, chuối, hồng xiêm, cà chua, dứa, hồng, lê, cam… với lớp vỏ mượt như nhung, chín vàng ươm trông rất ngon mắt. Người tiêu dùng đâu biết rằng, những loại hoa quả trông bắt mắt này lại được người bán tẩm ướp một loại thuốc sản xuất ở nước ngoài, không được phép lưu hành và sử dụng ở Việt Nam (thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục).
Ngay tại Hà Nội người ta đã sử dụng “công nghệ” làm chín quả siêu tốc từ nhiều năm nay và ngày càng phổ biến. Tuy đã có cảnh báo và cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra, nhưng việc buôn bán, sử dụng thuốc cấm vẫn hàng ngày diễn ra, gây tác hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Làm chín hoa quả bằng thuốc
Trên những cánh đồng ngoài bãi của huyện Đan Phương (Hà Nội) mùa này xanh um những thửa vườn đu đủ, chuối, bưởi. Người nông dân cắt đu đủ, chuối còn xanh nguyên về để đầy góc nhà. Trước đây để làm chín các loại hoa quả người ta đã giấm chúng bằng hương và đất đèn. Nhưng cách làm này đã trở nên lỗi thời trước hàng loạt loại thuốc giấm siêu tốc giá rẻ, hiệu quả nhanh đang bán trôi nổi trên thị trường. Có nhiều loại thuốc tẩm ướp hoa quả, nhưng loại được người ta sử dụng nhiều là loại hoá chất để nhúng, lau, phun và chấm vào củ, quả để chúng chín siêu tốc và bóng đẹp. Loại thuốc này do nước ngoài sản xuất nhập lậu vào trong nước và là thuốc cấm sử dụng.
Chúng tôi đến một xã ven bãi của huyện Đan Phượng thì được người dân ở đây cho biết, thuốc “hoa quả thúc chín tố” bán đầy rẫy và cực kỳ dễ mua. Tuy nhiên, với người lạ thì người bán hàng ở đây rất cảnh giác. Vì thế, khi chúng tôi đi với một người dân trong làng ra mua thuốc, một chủ hàng đon đả bán ngay. Một hộp “Hoa quả thúc chín tố” giá 13.000 đồng. Cái giá quá rẻ khi hộp thuốc này có 20 ống, mỗi ống là 5ml. Thuốc do nước ngoài sản xuất nhưng dường như sản xuất ra là để bán ở Việt Nam vì trên bao bì đã dịch sẵn tên thuốc và giới thiệu cách sử dụng bằng tiếng Việt.
Đống đu đủ vừa được chấm thuốc đã căng mọng và lốm đốm chín. |
Chị Nguyễn Thị Y., người dân ở đây cho biết, nhà chị dùng loại thuốc này nhiều năm nay để chấm vào cuống đu đủ cho nhanh chín. Chỉ vào đống đu đủ xếp ở góc bếp, chị Y. giới thiệu: “Nó vừa được chấm thuốc xong”. Đống đu đủ vừa chấm thuốc lúc trưa mà chiều đã chuyển dần sang màu vàng. Công nghệ chấm thuốc thúc quả chín rất đơn giản, cắt một ít cuống rồi chấm thuốc vào. Hiệu quả nhanh gấp nhiều lần cách giấm truyền thống, quả lại chín đều, bóng mượt, lâu thối.
Chị Y. kể, ở trong làng có hộ chuyên mua hoa quả ở các tỉnh miền ngược về, họ cũng dùng loại thuốc này để thúc cho hoa quả nhanh chín. Ngoài cách chấm cuống thì có người còn nhúng quả vào chậu thuốc đã pha hoặc phun, hoặc dùng giẻ thấm thuốc rồi lau lên quả. Để cho giống kiểu “chín tự nhiên” họ không quệt thuốc vào cả quả mà chỉ quệt vào một số chỗ, tạo màu xanh, vàng. Công hiệu của loại thuốc này rất mạnh, thế nhưng người làm nghề thúc hoa quả mau chín ở đây lại rất chủ quan. Họ tẩm ướp đều bằng tay không (không đeo găng), thậm chí chậu rửa mặt còn đem ra pha thuốc hoặc ngủ cạnh đống hoa quả vừa phun thuốc.
Xử lý khó khăn
Nếu không “mục sở thị”, chúng tôi không thể tưởng tượng nổi công nghệ thúc hoa quả chín siêu tốc lại đơn giản đến vậy. Tuy nhiên, hậu họa của việc làm này có lẽ không ai có thể đo đếm hay thống kê được. Chỉ đọc qua tính năng in trên bao bì của loại thuốc ngoài danh mục này, chúng tôi đã thấy gai người.
Nào là: “Hoa quả thúc chín tố là loại thuốc có hiệu lực cao, tăng chín nhanh cho hoa trái, quả bóng tươi đẹp, cải thiện thực chất, chất lượng hoa quả. Loại thuốc này được phổ biến thích hợp dùng cho các loại quả như: chuối, dứa, xoài, hồng, lê, chanh, cam, cà chua. Sử dụng lượng thuốc ít, hiệu suất cao, dễ sử dụng”.
Hay những điều cần chú ý: “Thuốc này có khả năng ăn mòn kim loại, có chất kích thích đối với mắt và da, nên chú ý ngăn tránh sự tiếp xúc trực tiếp đối với thuốc”. Trong hướng dẫn sử dụng còn ghi rõ: “Chuối xanh sau khi chặt hái về dùng 1 ống (5ml) pha 2 lít nước đem nhúng ướt hoặc phun đều. Quả hồng xanh sau khi hái về dùng 1 ống pha 2 lít nước, đem nhúng ướt hoặc phun đều, sẽ có tác dụng thúc chín và tẩy chát”. Đặc biệt thuốc ghi hạn sử dụng 2 năm nhưng lại không có ngày sản xuất.
Theo ông Thái thì tại Đan Phượng gần đây nổi lên hiện tượng dùng hoạt chất Ethen để giấm quả (nằm trong một loại thuốc để kích thích ra mủ cao su). Cuối năm 2008 sau khi một số phương tiện truyền thông đưa tin về tình trạng sử dụng thuốc ngoài danh mục để giấm quả, Chi cục BVTV Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra nhưng chưa phát hiện ra người bán và người sử dụng. Từ đó đến nay, Trạm thú y địa phương cũng vẫn thường xuyên kiểm tra nhưng cũng không phát hiện được gì. Tuy nhiên, hiện tượng buôn bán loại thuốc cấm này vẫn còn lén lút, cụ thể là Công an huyện Đan Phượng đã bắt quả tang một cửa hàng kinh doanh thuốc trừ sâu bán thuốc BVTV làm chín hoa quả ngoài danh mục.
Theo ông Nguyễn Duy Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng thì tình trạng phun thuốc kích thích cho quả nhanh to, đẹp có xảy ra. Thuốc này do nước ngoài sản xuất và bán lén lút tại một số cửa hàng kinh doanh thuốc trừ sâu. Đến nay, chưa có cơ quan nào công bố tác hại cũng như chỉ đạo địa phương đi kiểm tra, tịch thu loại thuốc giấm hoa quả này.
Theo Công An Nhân Dân
1 phản hồi
Thế này thì Pà Kon tránh ăn đu đủ nha. Sợ quá đi mất!!!