Một số món ăn cổ truyền đặc trưng đã nức tiếng cả trong và ngoài nước như phở bò, nem rán, bún chả, nem cuốn tươi, bánh chưng, bánh cuốn, nộm…
Không nên chọn một món ăn đặc trưng
“Theo “ngu ý” của tôi thì không nên chọn một món ăn đặc trưng nào cả vì nhiều lẽ sau: Lấy ví dụ là bánh chưng hoặc phở… Tuy bánh chưng là một món ăn có nhiều ý nghĩa trong tâm thức người Việt nhưng bánh chưng chỉ dùng trong khuôn khổ ngày Tết Nguyên đán hay trong một số bữa cỗ thời gian gần đây”.
Phở tuy là món ăn đặc trưng phổ biến thường ngày nhưng lại dân dã. Nhưng phở đặc biệt ở chỗ nó là món hội tụ các sản vật từ nhiều vùng miền trong cả nước. Bánh phở thường được chế biến từ những hạt gạo của vùng đồng ruộng chiêm trũng như Thái Bình, Nam định… Vị ngọt của nước dùng được tạo nên từ những chú sá sùng còn đẫm hương vị mặn mòi của biển khơi. Một số gia vị như quế chi, hoa hồi, thảo quả cũng góp mặt từ nhiều vùng núi rừng phía Bắc.
Muốn phở ngon hơn nữa thì những người nội trợ sành sỏi phải kén cho được thứ húng thơm làng Láng đặc trưng mà chỉ Hà Nội mới có. Tuy phở là món ăn phổ biến khắp Bắc Trung Nam, miền nào cũng có nhưng mỗi nơi lại có một cách chế biến riêng biệt đầy sáng tạo.
Cái hay và độc đáo của món ăn Việt là chính là sự đúc kết kinh nghiệm của ông cha ta. Vì thế, theo tôi không nên chọn một món tiêu biểu. Bản thân nội tại nền ẩm thực Việt Nam đã rất nổi tiếng rồi, không một món nào có thể đại diện hoặc làm nên cả một nền ẩm thực.
Trình UNESCO công nhận ẩm thực Việt Nam là di sản văn hóa thế giới
Các nhà khoa học, các chuyên gia ẩm thực, các học giả và những người yêu mến nền ẩm thực Việt Nam… nên ngồi lại với nhau, hội thảo bàn cách lập một hồ sơ về ẩm thực Việt Nam để đệ trình Unessco công nhận Việt Nam là nước có nền ẩm thực tinh túy giầu bản sắc trên thế giới thì hay hơn.
“Với tư cách là một chuyên gia ẩm thực khi nói chuyện về món ăn Hà Nội cổ ngày tết, tôi đã có dịp được gặp gỡ TS Vũ Thế Long, viện trưởng Viện Nghiên cứu ẩm thực và được ông chia sẻ về vấn đề này. Theo TS Long thì Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt Nam cũng đã manh nha lên ý tưởng và đang tập hợp tư liệu để trình lên UNESCO công nhận ẩm thực Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới”.
Ở một số nước, người ta tự hào về món ăn của mình. Người Nhật Bản tự hào với các loại sushi, sashimi, người Đại Hàn thì tự hào về các loại kimchi, người Ấn độ với các loại cà ry… Vậy tại sao các món ăn Việt ngon, đặc sắc mà chúng ta không phát huy lên. Người Việt cũng tự hào về phở, về nem và nhiều món ăn khác nữa… nhưng chẳng qua là mình chưa quảng bá mạnh như các nước.
“Tôi rất tiếc là những món ăn Hà Nội cổ đặc trưng cho nghệ thuật ẩm thực mang tính văn hóa cộng đồng xưa đã và đang dần mai một. Thật may, tôi sinh ra trong một gia đình Hà Nội gốc (5 đời). Bà tôi là nữ sinh khóa đầu của trường Đồng Khánh (nay là trường Trưng Vương) rất đảm đang và thạo việc về nữ công gia chánh. Bà được các nghệ nhân Việt và một số thầy Pháp truyền dạy. Về làm dâu một nhà tư sản có điều kiện và cũng khắt khe trong việc nấu nướng nên cụ cũng có nhiều kinh nghiệm bếp núc để truyền dạy cho con cháu. Thế nên tôi mong muốn khôi phục để giữ lại những giá trị ẩm thực Hà Nội truyền thống”, đó chính là chia sẻ của anh Hải khi nói về ẩm thực của Việt Nam.
Tuyết Vân (ghi)
1 phản hồi
tuyệt