Cũng từ các nguyên liệu đơn giản, quen thuộc nhưng dưới bàn tay và tấm lòng của mẹ khiến các món chay cũng trở nên hấp dẫn không kém gì các món mặn. Dường như, món ngon nào cả nhà thích thì mẹ cũng chế biến được thành món chay lạ miệng. Nhưng món mà tôi ấn tượng nhất là canh chua cá chay.
Lễ Vu Lan về trong tiết trời giao mùa, thoắt nắng rồi lại thoắt mưa. Cái thời tiết ấy làm con người ta đôi khi bâng khuâng khó tả, bỗng nhớ một chút gì quen thuộc, thân thương. Một chút gì đó nhẹ nhàng, man mát như hương vị thanh khiết của bát canh cá chua chay mẹ làm.
Lại nhớ lời mẹ nói, dù không có sự góp mặt của cá nên việc tạo độ ngọt và thơm của nước canh là vô cùng quan trọng. Bát canh cá chay có hương vị đặc trưng hay không là do sự tinh tế của người nấu trong việc lựa chọn những nguyên liệu để kết hợp với nhau. Đặc biệt, chất tạo chua cũng phụ thuộc vào nguyên liệu chính của món ăn. Tuy không có vị tanh của cá nhưng để món canh cá chua chay có hương vị “thật” giống như canh cá chua “mặn” thì không bao giờ được dùng sấu hay chanh để tạo độ chua cho bát canh mà bắt buộc phải dùng bỗng rượu, quả dọc, dứa… Thêm vào đó, canh cá nấu chua chay cũng không thể vắng bóng các loại rau gia vị như thì là.
Ảnh:naungon.com
Món canh cá này còn có hương vị đặc trưng bởi còn có sự góp mặt của sữa đậu nành, lá rong biển. Sự kết hợp hài hòa giữa vị của nhiều nguyên liệu rau, củ đã tạo nên một hương vị chay vô cùng tinh tế. Không có cá mà như được chế biến từ cá, đó mới là điều đặc biệt do các nguyên liệu được người nấu lựa chọn mang lại. Món ngon này cũng rất thích hợp cho người nào không thích mùi tanh.
Cách chế biến khá đơn giản, chỉ một thoáng thôi là đã thấy mẹ bê bát canh bốc khói trên tay rồi. Chỉ cần chuẩn bị cà chua, đậu phụ, sữa đậu nành, dứa xanh, dọc mùng, lá rong biển, gia vị và một ít bún cộng với một chút thời gian là đã có được bát canh cá chua chay vô cùng hấp dẫn để báo hiếu với tổ tiên. Dọc mùng tước vỏ, cắt khúc khoảng 5 cm rồi đem bóp muối để khi ăn không có cảm giác ngứa. Cà chua thái miếng nhỏ. Để tạo độ sánh và màu sắc hấp dẫn của bát canh, mẹ cho cà chua vào sốt lên, dùng tay bóp nhỏ từng miếng đậu phụ, bàn tay mẹ nhanh thoăn thoắt đảo nhẹ, vừa nêm thêm chút gia vị cho món canh thêm đậm đà.
Thêm chút dứa tươi đun cùng sữa đậu nành để tạo vị chua độc đáo của bát canh. Khi sữa đậu nành sôi lăn tăn thì đổ hỗ hợp cà chua đậu phụ đã sốt vào. Thả hỗn hợp dọc mùng cùng lá rong biển vào nồi, chờ cho đến lúc sôi lại thì bắc ra.
Thời điểm thả rau gia vị và cách thức thả rau cũng giúp cho món canh cá chay mẹ nấu dậy mùi, thơm vị hơn rất nhiều. Rau gia vị không được cho vào nồi canh trong lúc nấu, thậm chí không nên thả dưới dáy bát trước khi múc canh dưới lên vì trong nước canh có vị chua sẽ làm rau bị vàng úa trông mất đi vẻ thẩm mỹ, hơn nữa khi canh vừa sôi nước canh rất nóng sẽ làm mất mùi thơm đặc trưng của rau gia vị. Mẹ bảo thời điểm thích hợp nhất để thả rau gia vị là sau khi đã múc canh ra bát, nhẹ nhàng rắc rau gia vị lên trên. Như vậy bát canh mới có màu sắc bắt mắt, vị bát canh mới thơm ngon và giữ được mùi đặc trưng vốn có.
Nước canh vàng sáng sánh bởi được nấu từ sữa đậu nành, vị chua thanh thanh của bỗng rượu và trái cà chua. Bát canh có phối màu đẹp mắt của màu xanh rau, màu đỏ cà chua, màu trắng muốt của đậu phụ, màu đen của lá rong biển… Múc từng thìa canh nóng bốc khói nhưng dường như chỉ còn thấy vị thanh mát, ngọt ngào, nó làm người ta thấy trong người nhẹ nhõm, thanh thoát như vừa trút được bụi trần ai.
MonngonHanoi.com