Với một phong cách ẩm thực không cầu kỳ hay kiểu cách, bún Hà Nội đã trở thành món ăn đặc sắc mà ai khi đi xa dù tận miền viễn sứ cũng nhớ về hương vị quê nhà, hay đối với những du khách một lần đến và thưởng thức cũng để lại những ấn tượng khó mà quên!
Hà Nội có tới khoảng trên dưới 15 món bún khác nhau, nhưng khi nhắc đến bún, đầu tiên phải kể đến đó là bún chả. Không ai biết rõ bún chả có từ bao giờ, chỉ biết là từ rất lâu rồi bún chả đã xuất hiện trên khắp các nẻo đường Hà Nội.
Trước đây, các hàng bún chả ngon của Hà Nội thường là các gánh hàng rong bán trên phố hay trong các khu chợ. Nay đã đều thành các cửa hàng sang có, bình dân có, mà nổi tiếng nhất là bún chả Hàng Mành. Tuy không còn nướng bằng cặp tre tươi mà bằng cặp lưới thép, bún cũng không còn là bún lá mỏng nữa mà là bún rối. Nhưng bún chả hiện nay vẫn giữ được sắc thái và hương vị hấp dẫn của đất Hà Thành xưa cũ.
Để có được một món bún chả ngon, tuy không cầu kỳ nhưng cũng phải qua nhiều công đoạn chế biến.
Để làm bún chả, bạn phải chọn được thịt ba chỉ và loại thịt nạc vai mềm thì miếng bún chả khi ăn vào mới có độ ngọt của thịt và không bị ngán. Chả ăn với bún chả Hà Nội có hai loại: chả viên và chả miếng. Với chả viên, thịt nạc vai là sự lựa chọn tuyệt vời với độ mềm vừa phải.
Thịt nạc vai được băm nhuyễn, ướp cùng với nước mắm, tiêu, hành khô, sau đó được nắn thành từng viên nhỏ (bạn nhớ cho thêm dầu vào để miếng chả không bị khô), sau đó dùng tay ấn dẹt xuống, cho vào vỉ và đặt trên bếp than nướng. Chả miếng được làm từ thịt ba rọi, cũng được ướp các gia vị như hành khô, nước mắm, tiêu. Thông thường khi nướng chả miếng, người ta bỏ lớp bì ngoài cùng để chả không bị cứng và khét.
Chả sau khi nướng xong sẽ được cho vào chén nước chấm. Nước chấm pha chế đơn giản với yêu cầu phải đạt được sự kết hợp hài hòa giữa vị mặn của nước mắm, vị ngọt của đường, chua của giấm, và cay của ớt. Thông thường, để tăng thêm hương vị cho chén nước mắm, người ta thường cho thêm vào đu đủ và cà rốt.
Rau ăn với bún chả là các loại rau sống mang đậm hương vị của xứ Bắc như: xà lách, kinh giới, tía tô, húng lủi, húng láng, húng quế. Các loại rau này khi kết hợp với bún và chả, sẽ làm cho món ăn đỡ ngấy hơn.
Chén bún chả khi dọn lên có sự pha quyện nhiều màu sắc: màu nâu của miếng chả đã nướng hơi cháy xém, màu đỏ của cà rốt, ớt và kết hợp với màu xanh tươi của rau xanh. Vị ngọt và mềm của từng miếng thịt, vị chua chua của nước mắm, chút “sần sật” của miếng cà rốt hoặc đu đủ, vị thơm của các loại rau khiến cho món ăn này thật hoàn hảo.
Có thể nói, Bún Chả đã trở thành món ăn rất đỗi quen thuộc với Hà Nội trong cuộc sống hàng ngày, mang đậm nét văn hóa địa phương. Ngày nay, bún chả Hà Nội đã có mặt ở mọi nơi và được nhiều người ưa thích. Riêng với người Hà Nội, dù sống ở đâu cũng không bao giờ quên món ăn truyền thống này.
Theo NTTT
1 phản hồi
đúng là ăn một lần nhớ mãi không bao giờ quên,mình sẽ học cách làm món này để làm cho cả nhà thường thức,hhi