Thực phẩm chức năng (TPCN) là thực phẩm (TP) hỗ trợ chức năng của các bộ phận, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ gây bệnh.
Tùy theo công thức, hàm lượng vi chất và hướng dẫn sử dụng, TPCN còn có các tên gọi sau: TP bổ sung vi chất dinh dưỡng, TP bổ sung, TP bảo vệ sức khỏe, sản phẩm dinh dưỡng y học.
Các loại TPCN đơn giản nhất:
Đậu nành: Có tác dụng làm giảm cholesterol máu, ức chế quá trình oxy hóa cholesterol, giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Cà chua: Ăn cà chua làm giảm đáng kể nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến, ung thư vú, ung thư tuyến tiêu hóa, ung thư cổ tử cung, bàng quang, da và phổi.
Tỏi:Tỏi có tác dụng kháng khuẩn tự nhiên, phòng chống ung thư, tốt cho tim mạch và giảm cholesterol máu.
Bông cải và các loại rau họ cải: Những loại rau họ cải, đặc biệt là bông cải, cải bắp, có chứa chất glucosinolate và indoles có tác dụng làm giảm nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư vú.
Trà: Chứa những chất chống oxy hóa rất mạnh. Ngoài ra, chất catechin trong trà xanh còn giúp cơ thể phân hủy nhanh lượng cholesterol xấu (LDL cholesterol) trong máu, ngăn ngừa các bệnh tim mạch, ung thư.
Rau lá xanh giàu lutein: Có tác dụng làm giảm nguy cơ đục thủy tinh thể và giảm thoái hóa điểm vàng của mắt ở người cao tuổi.
Cá: Đặc biệt là cá biển, giàu omega 3 – là axít béo chưa no cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ.
Sữa và các chế phẩm từ sữa:
Sữa mẹ: Ngoài việc cung cấp đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng, sữa mẹ còn có nhiều kháng thể nên giàu khả năng phòng chống các bệnh nhiễm trùng ở trẻ nhỏ. Sữa mẹ còn chứa các oligosaccharide có tác dụng kích thích sự phát triển của hệ vi khuẩn có lợi trong đường ruột, kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.
Sữa bò, cừu, dê…: Là nguồn cung cấp canxi dễ hấp thu, giúp phòng ngừa bệnh loãng xương. Sữa lên men (sữa chua): có nhiều vi khuẩn có ích cho đường ruột.
TP chế biến: TP qua chế biến bổ sung, tăng cường hoặc loại bỏ một hay nhiều thành phần dinh dưỡng nhằm đáp ứng cho các mục đích sức khỏe khác nhau.
Nhóm bổ sung vitamine và khoáng chất: Đây là nhóm TPCN phổ biến nhất. TP có thể bổ sung một hay nhiều vi chất dinh dưỡng nhằm cung cấp vitamine và khoáng chất cho người sử dụng.
Nhóm bổ sung chất xơ: Được bổ sung vào thức uống, bánh, sữa, TP thấp năng lượng… nhằm kiểm soát lượng cholesterol, trọng lượng cơ thể, phòng chống táo bón, cải thiện hệ vi khuẩn đường ruột,…
TP giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường tiêu hóa: Gồm probiotic, prebiotic, synbiotic… nhằm tăng đáp ứng miễn dịch, giảm nhiễm trùng đường tiêu hóa, giảm cholesterol, giảm táo bón, tăng hấp thu canxi.
Bổ sung các chất dinh dưỡng đặc biệt khác: Taurin, omega-3 (DHA, EPA), carotenoid, cholin, MCT, isomal… các chất này thường được bổ sung trong sữa, nước tăng lực, nước giải khát, TP cho vận động viên.
TP loại bỏ bớt một số thành phần:
Gạo tách đạm: sử dụng cho bệnh gan, thận mãn tính; sữa không lactose (lactose free), TP không gluten: dành cho người không dung nạp lactose, người dị ứng với gluten; TP không béo, không cholesterol, không đường, thấp năng lượng… dành cho người tiểu đường, người có rối loạn chuyển hóa mỡ, người không muốn tăng cân; TP ít muối dành cho người cao huyếp áp…
Các TP cho nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt: TP cao năng lượng, dùng cung cấp dinh dưỡng qua ống thông dạ dày; TP thấp năng lượng: dùng cho người dư cân, béo phì; TP dành cho vận động viên, phi hành gia…
Sử dụng TPCN như thế nào?
Đối với những TP ở dạng tự nhiên, việc chọn lựa cần lưu ý những sản phẩm tươi, mới và đảm bảo vệ sinh an toàn TP. Để đạt được những lợi ích về sức khỏe, cần sử dụng thường xuyên với số lượng hợp lý.
Những sản phẩm chế biến sẵn, đòi hỏi người tiêu dùng phải đọc kỹ trên nhãn bao bì. TPCN ngoài các thông tin của một TP thông thường còn bắt buộc phải ghi rõ tên nhóm sản phẩm như TP bổ sung vi chất hay TP bảo vệ sức khỏe, TP ăn kiêng,…
Để chọn lựa đúng những TP cần thiết, người tiêu dùng nên đọc kỹ về đối tượng sử dụng, liều dùng, công dụng, các lưu ý đặc biệt. Đừng quên xem tên, địa chỉ của nhà sản xuất để tránh hàng giả, hàng nhái.
Một chế độ ăn cân đối sẽ có lợi hơn một chế độ ăn có nhiều TPCN mất cân đối. Cần cảnh giác với những quảng cáo quá mức về vai trò phòng chống bệnh của TPCN.
Ngọc Minh
Theo: Sức khỏe gia đình