Mua đồ đâu cứ phải vào shop mới chọn được đồ đẹp. Nhiều khi ở bất kì một hàng đồ cũ nào nếu chịu khó “mỏi mắt tìm, mỏi tay bới” cũng không hề phải thất vọng, vẫn may mắn được món đồ “cực rẻ”, “cực độc” đấy thôi. Đi ăn phở cũng thế, không nhất thiết là phải vào một hàng phở gia truyền hay một nhà hàng phở sang trọng, vẫn có thể thưởng thức đủ mùi, đủ vị, đủ những tinh túy của đất Hà Thành trong một bát phở hè phố. Nếu không tin, bạn thử lên Phố cổ ăn phở “bệt” mà xem.
Đúng như chữ “bệt”, ăn phở ở đây không nhiêu khê cần bàn ghế đàng hoàng như trong một quán phở thông thường. Chủ cửa hàng sẽ xếp những chiếc ghế lùn tịt, bé xíu như ghế của bảy chú lùn gọn gàng trên một vỉa hè nào đó. Vậy nên có ngồi ghế mà cũng chẳng khác nào ngồi “bệt”. Khách cứ việc thoải mái tự chọn chỗ ngồi. Nói là thoải mái nhưng khách cũng cần “nhanh chân, nhanh mắt” mới chọn được chỗ tạm ổn vì phở “bệt” cũng nườm nượp khách chẳng kém cạnh một hàng phở gia truyền là mấy. Thế nên mới có chuyện nhiều khi ghế ngồi còn chẳng có nói gì đến ghế “làm bàn”, bát phở nóng rẫy tay không biết đặt đâu cho “có duyên”. Khách mới ăn lần đầu sẽ loay hoay hết chuyển sang tay phải lại chuyển sang tay trái, đặt xuống đất cũng dở mà cầm bát cũng không xong.
Đi ăn phở “bệt” cũng na ná như đi ăn phở thời mậu dịch của thế kỉ trước. Cũng trả tiền rồi mới có phở. Mà cũng là cái bát phở công nhận chẳng lấy làm đẹp lắm so với bát phở hay đi ăn hàng. Ngay từ chiếc bát đựng phở làm từ thứ men không lấy gì làm đặc sắc, trông giản dị vô cùng. Những gì đựng trong bát cũng giản dị như thế. Chỉ có chút bánh phở vài cái ngoắng đũa đã hết veo, vài miếng thịt “thái điêu” mỏng dính, nhúm hành hoa “tiết kiệm” và một thứ nước dùng luôn sôi sùng sục là được một bát phở “bệt”. Ấy thế mà phở “bệt” vẫn cứ “hút” người ta, “lôi kéo” người ta đến tài. Ăn rồi mới biết phở “bệt” ngon một cách ngạc nhiên. Phở ngon mộc mạc từ miếng thịt mỏng tèo sừn sựt, từ mùi thơm thoảng qua của hành và thứ nước dùng ngọt đậm. Đúng là thứ nước dùng ngọt rất thật, rất đậm chứ không hề ngọt cái kiểu ngọt “mì chính” lờ lợ như phở thông thường.
TapchiMonngon.com