Cốm vốn là thứ quà dân dã của đồng ruộng nhưng hầu hết các vùng quê khác lại không có cốm bởi thế mà thành thứ quà bình dị mà tràn đầy tinh tế của riêng Hà Nội.
Hạt cốm xanh rờn ấy vừa dẻo vừa thơm – cái hương thơm rất riêng của lúa nếp mới qua thời kỳ ngậm sữa, lại được những nghệ nhân cha truyền con nối kỳ công sáng tạo để hiến cho đời một món ăn tao nhã mang đậm hương sắc Việt Nam.
Chuyện kể rằng những chàng rể xưa muốn lấy lòng bố mẹ vợ liền làm cốm đem biếu. Dần dần phát hiện ra thứ quà thanh nhã và tinh khiết ấy rất phù hợp với các việc lễ nghi nên người ta làm cốm để thờ cúng tổ tiên, lễ chùa và dùng trong đám cưới, đám hỏi của người Kinh Bắc. Cho đến nay, cốm Vòng được bán khắp các phố, chợ Hà Nội. Cứ mỗi mùa thu đến, lại thấy các bà, các chị làng Vòng quẩy đôi gánh xinh xinh, giắt đầy cây lúa non đã tuốt hạt, đi dọc các phố mà rao “Ai cốm đây”, nghe thật quen thuộc.
Cốm vòng ăn tươi thì ngon tuyệt còn mang đi xa cũng vẫn có thể đảm bảo mùi vị chất lượng trong vài ngày nếu như bọc kỹ bằng cả lá dáy và lá sen. Lá ráy mát giữ cho Cốm không bị khô và mất màu.Cốm được gói bằng lá sen thơm và ngon hơn khi ta gói bằng một thứ lá khác.
Người ẩm thực sành điệu nhâm nhi hạt cốm làng Vòng với chén nước chè Thái Nguyên cao suốt, hay thưởng thức cốm Vòng với những quả hồng trứng đỏ mọng, quả chuối tiêu trứng cuốc: “Cái màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý, màu đỏ thắm của hồng như ngọc lựu già. Một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc, không gì hòa hợp bằng”. (Thạch Lam – “Hà Nội 36 phố phường”)
Cũng từ cốm người ta có thể chế biến thành rất nhiều món ăn đặc sắc mà không kém phần hấp dẫn như: Xôi cốm, chè cốm, chả cốm… Còn một thứ được liệt vào hạng sang và gắn liền với tên tuổi của Hà Nội: Bánh cốm phố Hàng Than. Bánh cốm được coi là bánh cưới, gửi thay cho cánh thiếp hồng báo hỷ. Mình bánh làm bằng cốm Vòng xào với đường và mỡ, thêm nhân bằng đậu xanh giã nhuyễn trộn với đường và ít sợi dừa trắng muốt, gói hình vuông, bọc lá chuối xanh, buộc dây lạt đỏ. Màu lạt như màu những sợi tơ hồng vấn vít xe duyên. Mâm bánh cốm dẻo ngọt mang ý nghĩa sâu xa về nguồn cội và làm biểu tượng để chúc cho đôi uyên ương luôn có một cuộc sống hạnh phúc, ngọt ngào. Mỗi khi tết đến, xuân về người Hà Nội thường không quên gửi một vài “chục” bánh cốm Hàng Than làm quà cho họ hàng, bạn bè, người thân ở khắp moị nơi với tấm lòng thơm thảo của mình.
Gió heo may lại về, mùa thu Hà Nội như trong hơn, tinh khiết hơn phải chăng cũng là nhờ hương thảo thơm từ những hạt cốm làng Vòng.
Theo: CINET