Đó như là những món ăn được kết tinh lại bởi tình yêu thương để mỗi khi nản lòng và nhớ nhà, tôi lại hình dung ra hương vị của chúng, để lại có thêm sức mạnh và để biết rằng mọi người vẫn ở bên tôi.
Khi nghĩ về ấu thơ, tôi thường nghĩ về quê hương, về mái nhà và những người thân yêu. Khi tôi nhớ đến bố, mẹ, các chị nỗi nhớ đó trở nên hữu hình với những kỉ niệm không thể quên về những món ăn ấu thơ của tôi. Đó như là những món ăn được kết tinh lại bởi tình yêu thương để mỗi khi nản lòng và nhớ nhà, tôi lại hình dung ra hương vị của chúng, để lại có thêm sức mạnh và để biết rằng mọi người vẫn ở bên tôi.
Phụ lục
Bố
Ngày xưa, lúc tôi còn bé, khi công kênh tôi trên lưng đi xem “ké” tivi nhà hàng xóm, bố tôi thường hỏi tôi: “Con thương bố bằng gì?” và tôi sẽ trả lời rằng: “Con thương bố bằng trăm triệu ông trời”… Những lúc ấy, tôi lại thấy nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt rám nắng của bố. “Ừ, bố con ta như cà với ruốc”, câu nói của bố khiến tôi liên tưởng ngay món cà dừa luộc chấm ruốc của mẹ. Ruốc mẹ làm thường là ruốc tép, thơm thơm, chua chua và chấm với cà dừa vừa đủ độ là ngon nhất. Món ấy ngày xưa là “đặc sản cây nhà lá vườn” của nhà tôi vì cà dừa trong vườn mẹ trồng, tép chị cất ngoài đồng và mẹ muối thành ruốc. Mỗi khi mẹ làm món này, bố thường sai tôi đi hái lá rau thơm, rau húng ăn kèm. Món cà dừa luộc chín tới, vẫn còn khói bốc lên và ruốc tép đặt sẵn trong bát, chấm vào nhau tạo thành vị ngọt, bùi, ăn không biết chán. Khi vào vụ cà, mẹ luộc bao nhiêu cũng hết. Cả nhà vừa ăn vừa xuýt xoa khen ngon. Ngày ấy và cả sau này, đối với tôi, cà chấm ruốc như một món ăn không thể thay thế, không thể đổi khác cũng như tình cảm của bố dành cho tôi vậy.
Mẹ
Cà muối (ảnh:wikipedia)
Quê tôi ở miền Trung, một vùng quê với cái nắng cái gió cháy da cháy thịt, với cái rét lạnh cắt lưng. Hầu như năm nào, bão lũ cũng đến thăm mảnh đất này. Mẹ tôi thường muối một vại dưa cà để dành nhỡ ngày bão lụt, cây cối hoa màu trong vườn bị nhấn chìm trong màn nước lũ mênh mông. Có năm, khi nước lũ dâng cao và kéo dài, vại cà cứu cánh của mẹ cũng đã cạn, tôi thấy ánh nhìn âu lo của mẹ. Mẹ lặng lẽ ngồi nghĩ cách… Cây đu đủ còn lại duy nhất trong vườn đã được hái đến quả cuối cùng. Xung quanh không còn gì cả, mẹ quyết định chặt cây đu đủ và lấy thân cây đu đủ xào làm thành món ăn. Chúng tôi vừa ăn vừa khen món mẹ nấu ngon không kém quả đu đủ xào. Mẹ mỉm cười nhưng nước mắt đong đầy trong khóe mắt. Đó là món ăn đặc biệt nhất mà tôi đã từng được ăn trong những ngày mưa bão và đó cũng là món ăn mà suốt đời tôi không quên, vì đó chính là tình thương của mẹ dành cho chúng tôi.
Chị cả
Tép kho khế (ảnh:photobucket)
Chị là con gái lớn trong nhà, một tay chị tất bật làm việc nhà và chơi với hai đứa em nhỏ. Chị hơn tôi bảy tuổi, khi tôi còn ở tuổi mẫu giáo lớn thì chị đã đi bắt ốc, bắt dam, cất tép để cải thiện bữa ăn hàng ngày và giúp bố mẹ nuôi lợn, nuôi gà. Có lẽ chính vì thế mà chị đảm đang nhất trong ba chị em tôi chăng. Tôi còn nhớ những buổi chiều tối, chị vẫn mải mê với “rớ”, với tôm tép nhảy lách tách trong rổ đậy lá tre và những buổi chị ngồi rang thính, quét hồ dạy chúng tôi cách làm mồi để hấp dẫn tôm tép. Tôi thích đi “cất rớ” cùng chị, để khi rớ nhiều tôm tép lại nhảy lên hoan hô, để khi bắt được con cá thia lia, con tôm to chị lại cho tôi đựng vào chai nước. Không chỉ là người giỏi bắt tôm tép mà chị còn là người nấu ăn rất ngon. Cũng một món tép nhưng chị nấu được thành tép kho khế, tép rim, dấm tép khế chua và cả dấm tép với cà chua. Mỗi món ăn đều đậm đà hương vị của đồng quê, của sản vật quê nhà. Ngày xưa có lần chị bảo rằng con gái miền Trung nấu ăn thường “chặt to kho mặn”, tôi lại bảo chị rằng: “Chặt kho kho mặn răng em thấy cấy chi cụng ngọt ngon cả?” (chặt to kho mặn sao em thấy cái gì cũng ngọt ngon cả). Phải, đó chắc là vì quê hương, dù còn lắm những vất vả những khó khăn nhưng đó luôn là “chùm khế ngọt” trong tiềm thức của mỗi người.
Chị hai
Bánh bèo (ảnh:thodia)
Chị hai tôi là người rất thích kéo bạn bè về làm món ăn mới, những món ăn mà tôi chưa được ăn bao giờ. Chính vì thế mà tôi được làm quen với bánh bèo, bánh khoai, bánh xèo và học lỏm luôn được công thức làm bánh. Bánh bèo trông giống mũ tai bèo của các chú giải phóng quân, làm bằng bột lọc và nhân tôm. Bánh bèo làm lâu, nhiều công đoạn nhưng khi ăn thì “cực” ngon. Trong bánh bèo có vị béo của tôm, vị sần sật của bột lọc, vị thơm của rau mùi và vị hơi mặn của nước chấm. Bánh khoai làm từ khoai và bột nếp. Theo công thức thì khoai nhiều hơn bột nhưng nhiều khi các chị làm thành bột nhiều hơn khoai. Tuy nhiên tôi vẫn rất thích và ăn rất ngon lành. Những hôm trời mưa, ở nhà thấy nhạt miệng, tôi đòi chị làm kẹo lạc để ăn. Kẹo lạc làm dễ và nhanh hơn những món bánh khác nên chị chiều tôi ngay tắp lự. Đường có sẵn, lạc rang lên, xoa cho vỏ lụa hết đi, để sẵn báo trên nia rồi thắng đường, đổ ra báo và rải lạc lên trên. Ngồi chóp chép nhai kẹo và uống nước chè xanh, để cái ngọt bùi của kẹo hòa lẫn vào vị chát của nước chè xanh mới om, tôi cảm nhận được rằng đó chính là hạnh phúc ngọt ngào của tình cảm ruột thịt, của gia đình và quê hương mình.
D.P
Tapchimonngon