Chỉ còn gần một tháng nữa thôi là tới rằm tháng Tám. Cùng với không khí nô nức đón rằm Trung thu tràn ngập khắp các ngả đường, ngõ phố là sự xuất hiện của vô số những loại bánh Trung Thu với các thương hiệu khác nhau.
Như một thói quen, cứ mỗi khi tới rằm tháng Tám là mọi người lại mua bánh nướng, bánh dẻo, cùng nhau ngồi uống trà và nói chuyện. Chẳng hiểu bánh Trung thu có từ bao giờ, chỉ biết rằng cho tới ngày nay thì nó đã trở thành một nét văn hóa, một cái lệ mà chẳng ai băn khoăn hay thắc mắc “vì sao lại có bánh Trung thu?”.
Bánh Trung thu có hình tròn, người xưa giải thích rằng, đó là biểu tượng của sự đoàn viên, của khát vọng về hạnh phúc. Tương truyền rằng, tục ăn bánh Trung thu xuất hiện từ cuối thời Nguyên ở Trung Quốc và được lưu truyền cho tới ngày nay. Vào thời đó, người Trung Nguyên vốn không chịu nổi ách thống trị của quân Mông Cổ và khắp nơi, đâu đâu cũng dấy lên một tinh thần chống nhà Nguyên. Để tập hợp lực lượng đấu tranh, Lưu Bá Ôn đã nghĩ ra một cách truyền tin rộng rãi và bảo đảm, đó là kêu gọi mọi người mua bánh trung thu ăn vào Tết Trung thu để tránh họa. Sau khi mọi người mua bánh về và cắt ra, nhìn thấy bên trong có giấu một mảnh giấy viết “đêm 15 tháng 8 khởi nghĩa”, nhờ vậy người dân đã nhiệt liệt hưởng ứng, và lật đổ được nhà Nguyên. Cũng từ đó, bánh Trung thu đã trở thành một món ăn không thể thiếu mỗi dịp rằm tháng Tám.
Đến với Việt Nam, tết Trung thu được gọi với cái tên khác nữa là “Tết trông trăng”. Vầng trăng vào thời gian này tròn và sáng rõ, trăng mở hội liên hoan, ngày rằm Trung thu nhằm vào tiết Thu phân nên khí âm và dương điều hòa với đêm ngày bằng nhau. Bầu trời quang đãng, khí hậu ôn hòa nên người ta cảm thấy rất dễ chịu.
Các vì sao trên trời cao, được bổ sung bằng lồng đèn hình ngôi sao của các em như mời trăng, rước trăng về dự cỗ. Trẻ con lũ lượt kéo nhau ra phố, trên tay cầm chiếc đèn tung tăng tạo không gian mờ ảo, có cảm giác như cung Quảng Hàn đang ở giữa trần gian này…
Lam Linh
Tapchimonngon