Việt Nam có hàng chục ngày lễ Tết cổ truyền có ý nghĩa ở vào nhiều thời điểm khác nhau trong năm. Đối với mỗi một lễ Tết thì đều có một câu chuyện sâu sa. Ví như Tết Nguyên Đán (1/1 âm lịch) là Tết đầu năm mới lớn nhất trong năm, Tết Hàn Thực ( 3/3 âm lịch), Tết Trung Thu ( 15/8 âm lịch), Tết Khai Xuân, Tết Khai Hạ… Và Tết Đoan Ngọ cũng là một trong những ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam.
Theo như sự tích thì Tết Đoan Ngọ còn có tên là Tết Đoan Dương, Tết mồng năm, hay Tết giết sâu bọ. Tết Đoan Ngọ được tổ chức vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch và được người Việt rất coi trọng. Bởi thế tục ngữ có câu “Tết mồng năm, rằm tháng bẩy” là để chỉ tầm quan trọng của những ngày lễ Tết ấy.
Tết Đoan Ngọ có xuất xứ và được du nhập vào nước ta từ Trung Quốc. Chuyện xưa kể rằng đời Xuân Thu, ở nước Sở bên Trung Quốc có quan Đại Phu Khuất Nguyên là vị tướng tài được vua tin cậy. Nhưng bị gièm pha nên không được vua trọng dụng và đã gieo mình xuống sông tự tử. Hôm đó là ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch.
Từ đó, mỗi năm đến ngày 5/5 âm lịch người Tàu tổ chức Tết Đoan Ngọ là để tưởng nhớ và vinh danh Khuất Nguyên. Người Việt ta thấy ý nghĩa hay mà làm theo. Nhưng theo phong tục của người Việt Nam thì Tết Đoan Ngọ là Tết giết sâu bọ, bởi đây là thời điểm giai đoạn chuyển mùa, dịch bệnh dễ phát sinh.
Theo truyền thống, cứ đến ngày mồng năm tháng năm âm lịch hàng năm thì các gia đinh lại chuẩn bị một nồi nước lá hoà lẫn nước sạch để tắm giải trừ mọi rôm sẩy. Rượu nếp được làm hoặc được mua để sáng sớm thức dậy là ăn luôn mà không cần ăn sáng trước. Hoa quả thì nào là vải, mận, dưa hấu…. mỗi loại thưởng thức một chút. Bởi người ta quan niệm rằng, làm như vậy sẽ giết sạch rôm sẩy trong người, phòng trừ các dịch bệnh trong mùa hè. Theo thời gian thì phong tục ấy vẫn được nhiều thế hệ gia đình giữ gìn và phát huy cho đến ngày nay.
Tuy được du nhập từ Trung Quốc nhưng Tết Đoan Ngọ (Tết giết sâu bọ) đã được người Việt Nam đồng hoá và biến nó trở thành một trong lễ Tết cổ truyền của dân tộc. Chúng ta cần phải tiếp tục duy trì và phát triển để bảo tồn văn hoá và làm tăng thêm ý nghĩa, nét đẹp cho cuộc sống.
Theo: MonngonHanoi